RSS

Phim bom tấn – Ngôi vương bất khả xâm phạm

20 Aug

Hết năm này qua năm khác, cứ đến mùa hè, khán giả lại bị nhồi nhét hàng sa số các bộ phim bom tấn hành động kiểu cũ lẫn kiểu mới, siêu anh hùng được làm mới lẫn siêu anh hùng được làm tiếp… Nhưng dường như khán giả không bao giờ cảm thấy chán!

Khởi nguồn từ những điều bất thường

Lịch sử của phim bom tấn bắt đầu bằng một con số, một con số quá sức vĩ đại khiến cho Steven Spielberg từng phải ngấn lệ. Vào cái ngày 20/6/1975, bộ phim Jaws (tựa Việt: Hàm cá mập) được trình chiếu tại 409 rạp trên khắp nước Mỹ. Vào thời điểm mà hầu hết các bộ phim chỉ được ra mắt tại một địa điểm chính trong một thành phố lớn như New York trước khi dần dần được đưa sang các nơi khác, đó là một điều bất thường. Càng bất thường hơn, khi Jaws thu về 7,061,573 đô-la Mỹ sau 3 ngày đầu tiên. Và sau 78 ngày, bộ phim đã soán ngôi vương của The Godfather lúc đó khi cán mốc 86 triệu đô-la.

Không chỉ ở phòng vé, Jaws còn đem đến nhiều điều bất thường khác trong mùa hè năm 1975: poster phim, cá mập bằng nhựa, áo thun được bày bán khắp nơi. Vô số các bài báo, các chương trình tiêu điểm trên radio và tivi (một thiết bị vẫn còn mới mẻ khi đó) liên tục nhắc đến Jaws. Con cá mập dữ tợn thậm chí còn được lên trang bìa tạp chí TIME. Khi bộ phim vượt mốc 100 triệu đô, không ai tin đó là sự thật, ngay cả đạo diễn Spielberg. Giới trong nghề  đều cho rằng đó chỉ là một trường hợp cá biệt, một sản phẩm quái dị của tự nhiên như chính con cá mập trắng có kích thước khổng lồ trong phim. Spielberg đã chia sẻ, “Bộ phim được mọi người quan tâm như một con quái vật trong gánh xiếc.

Nhưng đến năm 1977, Star Wars ra đời và cột mốc 100 triệu đô-la lần thứ hai bị vượt qua. Thời đại của phim bom tấn chính thức bắt đầu!

Tự hoàn thiện để giữ ngôi!

Ban đầu chẳng ai biết phải gọi Jaws là gì. Là “phim siêu doanh thu”? Hay “phim ngoạn mục”? Tuy nhiên, những tiêu chí mà siêu phẩm kinh dị của Spielberg đưa ra giờ đã trở thành luật của phim bom tấn hiện đại. Không phải cứ phim nào có doanh thu “bom tấn” đều được gọi như vậy. Trước hết phải kể đến thể loại phim là gì (hành động khói lửa tưng bừng), tiếp đó là tỷ lệ phim ra sao (màn ảnh rộng) và cuối cùng là chiến dịch quảng bá rầm rộ đến mức nào. Một cách mau chóng, mùa hè trở thành mùa của một thể loại phim đặc biệt: hoành tráng, nặng tính kỹ xảo với các ngôi sao tên tuổi.

Trước năm 1975, các bộ phim lớn thường tổ chức các buổi chiếu ra mắt nho nhỏ tại những rạp chiếu nổi tiếng như ở New York; sau 12 tuần, chúng mới bắt đầu được chiếu tại các thành phố khác, rồi đến các thành phố nhỏ hơn; sau cùng là thị trường thế giới. Đó là một chiến dịch chậm rãi được đề ra nhằm tạo hiệu ứng truyền miệng. Nhưng phim bom tấn đã đập tan những quy tắc ấy. Họ đưa ra các chiến dịch “đánh bom” rạp chiếu bằng cách bỏ ra hàng triệu đô-la để quảng bá và khuếch trương nội dung cũng như chất lượng của bộ phim.

Để công tác tiếp thị được hiệu quả, trước hết, bộ phim bom tấn đó cần phải dễ quảng cáo. Vào những năm ‘80, hai đại gia trong ngành sản xuất phim là Don Simpson và Jerry Bruckheimer đã hoàn thiện khái niệm về high-concept, một dòng ý tưởng tuyệt vời nhưng ngắn gọn, có thể lột tả được bản chất của bộ phim. Top Gun là “Star Wars trên Trái Đất”; Days of Thunder là “Top Gun trên làn đua xe.” Có lẽ nếu Twitter xuất hiện vào thời gian đó, hẳn bọn họ sẽ trở thành bậc thầy kể chuyện bằng 140 ký tự hoặc ít hơn thế.

Cũng như doanh thu, phim bom tấn cần có yếu tố câu khách. Vào những năm ‘80, các siêu sao như Arnold, Stallone và Cruise có thể thu hút hàng triệu khán giả. Nhưng sự xuất hiện của kỹ xảo vi tính vào những năm ‘90, trong các bộ phim như Jurassic Park, Terminator 2: Judgment DayIndependence Day, đã thay đổi các quy tắc đó. Thậm chí, một bộ phim tâm lý bom tấn như Forrest Gump cũng tận dụng sự kỳ diệu của kỹ thuật số để tạo ra các hình ảnh cần thiết đầy sửng sốt.

Steven và tôi thuộc về thế hệ cảm xúc,” George Lucas phát biểu vào năm 1997, giải thích về nguồn gốc của phim bom tấn. “Chúng tôi không thuộc thế hệ lý tính. Chúng tôi tận hưởng những giây phút thăng hoa mà phim ảnh đem lại và nhận ra rằng, ta có thể đẩy sự kích thích vượt qua những gì người khác đang làm.

Các bậc thầy điện ảnh ngày nay, từ ông hoàng phim thảm họa Roland Emmerich cho tới chuyên gia cháy nổ Michael Bay hay vua-một-cõi James Cameron, đã thuộc nằm lòng bài học đó: tìm hiểu xem khán giả muốn gì, mang đến cho họ điều đó, và… phát hành phim dưới định dạng IMAX 3D.

Nhìn lại quá khứ và hướng đến tương lai

Năm 2011 là một năm bội thu các phim bom tấn chất lượng, từ X-Men: First Class cho tới Thor, Super 8, Rise of the Planet of the Apes. Dĩ nhiên cũng có những quả bom xịt (Conan the Barbarian, Pirates 4 hay Green Lantern), nhưng 2011 vẫn là một trong những năm sáng sủa nhất trong quãng thời gian gần đây. Dù sao, đây cũng là một thời kỳ khó khăn, khi mà những dòng Twitter có thể hủy diệt cả một bộ phim ngay sau suất chiếu đầu tiên!

Chẳng mấy ngạc nhiên khi các phim bom tấn 2012 là những phim đã có thương hiệu (The Avengers, The Dark Knight Rises, Skyfall, The Amazing Spider-Man, The Bourne Legacy…) hoặc những ván cờ đã được toan tính cẩn thận (The Hunger Games với mong ước soán ngôi loạt phim The Twilight Saga, Battleship muốn trở thành  “Transformers trên mặt nước”). Nhưng dù thắng hay thua, phim bom tấn sẽ vẫn trụ vững! Doanh thu 2,78 tỷ đô-la của Avatar đã chứng minh rằng một bộ phim nếu làm đúng công thức có thể thu về lợi nhuận kếch xù ra sao.

Họ không còn làm ra những phim như Raiders of the Lost Ark nữa,” những câu nói như vậy rất dễ khiến ta mắc bẫy và tin tưởng vào những lời đồn đoán vô căn cứ. Thực ra, trong thời kỳ huy hoàng ấy, mỗi năm Hollywood cũng chỉ có thể cho ra đời một đến hai bom tấn kinh điển: The Empire Strikes Back năm 1980, Raiders of the Lost Ark năm 1981, E.T.Blade Runner năm 1982… Năm ngoái, chúng ta đã có Rise of the Planet of the Apes, năm trước nữa là Inception, trước đó nữa, Star Trek… Thực chất ngành công nghiệp điện ảnh ngày nay đã sản xuất nhiều gấp 20 lần mỗi năm, và điều đó đồng nghĩa với việc ta phải lựa chọn các sản phẩm xuất sắc từ một rừng phim. Phim hay không thiếu, bạn chỉ cần chịu khó chọn lựa mà thôi.

Bài viết đăng trên tạp chí 2! số 274

 
Leave a comment

Posted by on 20/08/2012 in Features

 

Tags: , , , , , , , , , , , , ,

Leave a comment