RSS

Cánh Diều 2013: Chân tiểu nhân – Ngụy quân tử

09 Mar

Bài viết dưới đây do độc giả Dương Vi gửi tới Filmcriticvn, quan điểm của Dương Vi có thể không trùng với quan điểm của người đăng bài.

 

Sát với thời điểm công bố giải thưởng Cánh Diều 2013, một giải thưởng mà ở nước ta có vai trò tương tự giải Oscar nhưng thực tế là không được xã hội chú ý cho lắm, trong ngành điện ảnh bỗng chốc xảy ra hai sự kiện đau lòng. Thứ  nhất là cái chết thương tâm của gia đình ông Lê Minh Phương, một người làm công tác khói lửa; và sự ra đi của đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu, người mới chỉ vừa 37 tuổi và chưa kịp nhìn thấy bộ phim điện ảnh đầu tay của mình được công chiếu tại rạp. Nhắc người đã khuất, để thấy rằng những cái tên cá nhân đã được nhắc đến trong 11 phim điện ảnh của Cánh Diều năm nay đều là những người may mắn hơn Đỗ Quang Hải Âu rất nhiều. Họ ít ra còn có cơ hội được trau chuốt đứa con tinh thần của mình, và chứng kiến nó được công chúng đón nhận hoặc chối bỏ. Hóa ra, cái điều tưởng như đương nhiên này lại quý giá đến thế. Vậy thì cơ hội ấy đã được từng người sử dụng như thế nào ? 

Vốn vẫn được coi là “chính phái”, các bộ phim do Nhà Nước đầu tư sản xuất xưa nay được dán nhãn “nghệ thuật”. Đã rất nhiều lần các vị tiền bối trong làng phim đã phải thốt lên rằng phim tư nhân chỉ biết đến lợi nhuận, nếu cấp trên ngừng rót tiền đầu tư cho các Hãng phim nhà nước , ắt phim có giá trị nghệ thuật và nhân văn cao phải chết. Cánh Diều 2013 chứng mình lý thuyết nêu trên sai bét.   

Hãy cùng  nhìn vào hai bộ phim được Bộ VHTTTT gửi gắm cho những tên tuổi gạo cội: Đam Mê và Cát Nóng. Đạo diễn Lê Hoàng vinh dự được thực hiện một bộ phim có tổng vốn đầu tư lên tới 6 tỷ đồng tiền nhà nước, và được công chiếu tại lễ khai mạc LHP Quốc Tế Hà Nội 2012 – Cát Nóng. Thế như bộ phim ấy đã khiến cho hầu hết quan khách nước ngoài có cơ hội được ăn tiệc sớm vì đều phải bỏ ra ngoài sau chừng 30 phút. Số còn ngồi lại, có lẽ là người Việt muốn được xem đến cùng những mảng miếng khiến cho điện ảnh Việt Nam phải bưng mặt xấu hổ với bạn bè quốc tế. Và sự kiên nhẫn của họ được đền đáp xứng đáng, khi một nhân vật nữ thẳng tay chặt đầu những con giông thật trong phần cuối của một bộ phim có chủ đề bảo vệ môi trường. Đã có tiếng hô to phản đối từ một khán giả nào đó trong khán phòng, hành động không được lịch thiệp này có lẽ cũng dễ được thông cảm hơn so với sự đạo đức giả của Cát Nóng. Một số thành viên của Trại sáng tác Tài Năng Trẻ gặp nhau sau khi xem phim đã ngao ngán thốt lên rằng, 6 tỷ ấy có thể làm được 2-3 phim độc lập kiểu Dành Cho Tháng Sáu, giá mà… Đối với Đam Mê của Phi Tiến Sơn, công bằng mà nói, có khá hơn Cát Nóng về mặt điện ảnh. Nghĩa là nếu Lê Hoàng quá thể dở, thì Phi Tiến Sơn mới chỉ ở mức dở. Có vẻ như chủ đề của phim nhà nước năm vừa rồi là bảo vệ môi trường, Đam Mê cũng có ít nhiều yếu tố ấy, ngoài ra còn cài cắm thêm nhiều những luận đề tư tưởng về những đam mê của mỗi người. Nghe ra thì cũng hay, chỉ có điều các nhân vật trong phim đều được xây dựng theo kiểu một chiều, đam mê của họ nông nổi, sơ sài và kỳ cục, xem mà chỉ muốn phì cười như xem trò trẻ. Trong một lô những con người kỳ quái không giống ai, thì vai diễn của Hứa Vĩ Văn hóa ra lại gần gũi với đời sống nhất. Ấy thế mà Hứa Vĩ Văn lại đóng vai phản diện và phải nhận một đoạn kết không hay cho lắm, hóa ra Đam Mê kết luận là muốn kết cục có hậu thì phải sống trên mây. Mà thêm nữa, đôi khi Đam Mê cũng khiến những người đã xem ngờ ngợ rằng hình như thâm sâu dưới tầng tầng lớp nghĩa, bộ phim này có những ám hiệu chỉ dấu về những mối tình đồng tính nam, và cả nữ. Có lẽ vấn đề Hôn nhân đồng tính gần đây được coi là một vấn đề chính trị được quan tâm, nên phim cũng góp phần cập nhật thêm. Nhưng liệu có kiểu nghê thuật nào như thế không, hỡi các phim nhà nước ? Có chăng thì chỉ là loại nghệ thuật giả vờ.

Những tưởng bệnh nghệ thuật giả vờ chỉ là bệnh của phim nhà nước, hóa ra phim tư nhân và phim hợp tác quốc tế cũng bị mới chết. Một ẩn số lớn của giải – Lạc Lối (đạo diễn Phạm Nhuệ Giang) – sau khi được chiếu cho BGK và một số phóng viên, đã khiến nhiều đại diện của giới truyền thông ngộ độc tập thể. Nghĩ mà thương cho BGK biết bao (vì trong một buổi chiều phải xem Lạc Lối và Cát Nóng liền một lúc). Đưa ra một luận đề về sự khác biệt giữa giầu và nghèo, nhưng lại cũ rích kiểu nghèo thì tốt bụng sáng ngời, giầu thì xấu xa đồi bại, chỉ vừa mới cảnh đầu tiên cũng đã làm vài người thở dài. Phần còn lại cũng không khá hơn khi phim chỉ toàn là chắp vá các tình tiết lặt vặt, với một kiểu xây dựng nhân vật giống y chang những phim truyền hình ngô nghê nhất của Văn Nghệ Chủ Nhật một thời. Đây là một bộ phim hợp tác quốc tế khi đạo diễn Nhuệ Giang đã dày công xin được tiền tài trợ của nước ngoài, nhưng mà phim thế này thì không thể gọi là phim nghệ thuật được. Một phim khác, một phim mà sự xuất hiện của nó hết sức kịch tính, ấy là Mùa Hè Lạnh (đạo diễn Ngô Quang Hải). Xuất hiện vào phút chót, ứng viên Mùa Hè Lạnh cũng chỉ là một bất ngờ mang tính trớt qướt, y hệt như cái kết của chính nó. Với tham vọng tạo nên một bộ phim có ngôn ngữ hiện đại, những gì mà đạo diễn thể hiện là sự học mót lung tung từ nhiều phim và nhiều nhà làm phim, nhồi nhét vào một tổng thể thảm hại. Cộng với phần dựng phim nghiệp dư, cũng như phần âm thanh do đạo diên tự biên tự diễn lúc to lúc tịt, Mùa Hè Lạnh chắc chắn là cũng chỉ cùng một chiếu với những phim không có chút le lói đoạt giải như Gia Sư Nữ Quái hay Dành Cho Tháng Sáu. Nhưng cũng nên công bằng với hai phim của Lê Bảo Trung và Nguyễn Hữu Tuấn, hai phim ấy vẫn khá hơn Mùa Hè Lạnh nhiều. Điều gây thắc mắc lớn cho nhiều người là, cả Phạm Nhuệ Giang và Ngô Quang Hải đều đã phải tự thân trải qua một thời gian dài nung nấu, qua bao khó khăn tìm kinh phí, xin đầu tư, rồi vượt muôn nhọc nhằn để làm ra được một bộ phim, sao họ lại phải khổ như thế vì những bộ phim không ra gì ? Thật là không đáng cho công sức lao động nghệ thuật của họ chút nào.

Một bệnh khác của điện ảnh VN gần đây, đặc biệt là điện ảnh tư nhân, ấy là sự làm ẩu, ẩu vì tiến độ bị ép phải làm quá nhanh. Thành ra những đứa con tinh thần của các đạo diễn có thành hình hài, nhưng còn còi cọc. Nếu có một người dựng chuyên nghiệp, Mùa Hè Lạnh chắc chắn là một phim coi được của năm 2012. Nếu đạo diễn không quá tham mà tự dựng phim, thì Lấy Chồng Người Ta có thể coi là phim hay nhất vì những bước tiến dài về ngôn ngữ mà Lưu Huỳnh đạt được. Nhưng trên thực tế, sự lê thê dài dòng đã giết chết cả hai bộ phim. Dựng phim là giai đoạn cần sự tinh tế và tỉnh táo, nhưng với lịch sản xuất quá gấp gáp, người dựng phim khó mà có thể đưa ra bản phim hoàn hảo và hợp lý nhất được. Một phim VN hiện nay có thời gian sản xuất trung bình tính từ tiền kỳ đến công chiếu là chừng 5-6 tháng, một tốc độ siêu tốc ! Với tốc độ như thế thì với ngay cả một đạo diễn cứng cựa như Charlie Nguyễn cũng chỉ có thể làm phim theo kiểu đối phó, Cưới Ngay Kẻo Lỡ là ví dụ nhãn tiền. Bộ phim ấy phải khiến cho đạo diễn của nó phải kêu lên rằng đây là phim tệ nhất anh từng làm, và từ giờ trở đi sẽ không làm như thế nữa… Cho nên năm nay, Cưới Ngay Kẻo Lỡ sẽ không thể giúp Charlie Nguyễn có cơ hội lên nhận giải như với Long Ruồi.

Điểm sáng của năm nay là Victor Vũ khi anh có liền một lúc hai phim được đề cử tranh giải. Cả hai phim – Thiên Mệnh Anh Hùng và Scandal – đều là những phim được đánh giá tốt khi công chiếu. Đặc biệt là Scandal, hiện tượng điện ảnh của năm khi đã làm thỏa mãn cả khán giả lẫn báo giới vì đã gãi đúng chỗ ngứa của ngành showbiz. Tuy Scandal vẫn hơi lê thê ở đoạn giữa, và Thiên Mệnh Anh Hùng còn đơn giản trong tình tiết, thì với mặt bằng chung năm nay, nếu hai phim này không có giải thì thật là chuyện lạ.

Năm 2012, theo thống kê có gần 20 phim Việt Nam, nhưng cuối cùng Cánh Diều chỉ quy tụ được 11. Điều này khiến nhiều nhà báo phẫn nộ như thể đấy là lỗi của Ban Tổ Chức. Nhưng kỳ thật, việc nhà sản xuất của các bộ phim như Nàng Men Chàng Bóng không gửi phim tranh giải lại chứng tỏ rằng họ đang rất thành thật với chính mình. Họ không làm phim để tham dự giải, và sẵn sàng thừa nhận phim của mình chỉ là những phim giải trí xem rồi lại quên. Họ thà làm chân tiểu nhân, còn hơn là ngụy quân tử như vài phim đã được nêu tên ở trên. Điều đó hẳn nhiên là đáng được tôn trọng. Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến về việc tại sao không có phim Chạm (đạo diễn Nguyễn Đức Minh), thì cũng xin thưa luôn rằng Chạm là phim được sản xuất tại Mỹ, là phim nước ngoài nên đương nhiên là không thể tranh giải Cánh Diều. Hơn nữa, theo điều lệ giải thì ngay cả phim do một hãng phim Việt Nam sản xuất mà không có ai trong đoàn làm phim là Hội viên Hội Điện Ảnh thì cũng năm ngoài cuộc chơi. Điều này cũng là dễ hiểu vì Cánh Diều vẫn là một giải thưởng của Hội Điện Ảnh. Ngoài ra thì Cánh Diều cũng chỉ trao cho người Việt Nam hoặc người có quốc tịch Việt Nam, nên dù cho phần dựng phim, biên tập âm thanh và âm nhạc của Dành Cho Tháng Sáu được đánh giá rất cao, thì với việc phần hậu kỳ của phim hoàn toàn do ê kíp Pháp thực hiện, chắc chắn Dành Cho Tháng Sáu cũng không được tham gia các giải cá nhân này.

Nhưng dù có còn nhiều bất cập, giải Cánh Diều vẫn rất xứng đáng được hoan nghênh vì là dịp duy nhất làng phim Việt Nam có dịp góp mặt đầy đủ và những nghệ sĩ đã cống hiến cho lao động nghệ thuật sẽ được tôn vinh. Nếu ai chưa được giải năm nay, xin chúc họ sẽ tiếp tục góp mặt và sẽ gặt hái được thành công trong những kỳ sau. Càng có nhiều phim Việt Nam hay thì giải Cánh Diều sẽ càng chất lượng và có uy tín. Hi vọng một ngày không xa, nền điện ảnh Việt Nam sẽ vững vàng và Cánh Diều sẽ thực sự bay cao, bay tự tin giữa trời xanh.

 
Leave a comment

Posted by on 09/03/2013 in Features

 

Leave a comment